Ăn sao cho KHOÁI cho KHỎE

Tản Đà, một thi sĩ nổi tiếng trong nghệ thuật ẩm thực, đã có câu “triết lý” về chuyện ăn sao cho ngon như sau: “Đồ ăn ngon/chỗ ngồi ăn không ngon/người ngồi ăn không ngon/không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/người ngồi ăn không ngon/không ngon!Đồ ăn ngon/người ngồi ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/không ngon!…” Ăn cho ngon cũng thật phức tạp!

NGƯỜI ĂN…NGON!

Người ngồi ăn mà không ngon – dễ ghét – thì nuốt không thôi! Người ngồi ăn mà suốt ngày cứ giở sách ra tính calo, glucid, protid… để ép mình ăn thứ này thứ kia thì rõ ràng ăn không thể nào ngon nổi! Ep dầu ép mỡ, ai nỡ ép.. ăn là vậy!

 Muốn ăn ngon phải chịn món mình “ khoái khẩu”, nghĩa là món mình ưu thích. Món ngon của người này chưa chắc đã là món ngon của người kia. Cho nên nếu thích thì mắm tôm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm thái, lẩu mắm, mắm bồ hóc… gì cũng được. Miễn là “an toàn vệ sinh thực phẩm”. Chuyện calo, chuyện đủ bốn nhóm thức ăn gì đó tính sau. ( Với trẻ con thì khác, nhưng cũng vẫn phải để ý đến sự” khoái khẩu” của trẻ, đừng quá máy móc làm trẻ bỏ ăn).

CHỖ NGỒI…NGON!

Có nghĩa là những người thường tìm đến một quán nào đó không chỉ vì đồ ăn ngon mà vì chỗ ngồi ngon. Ven bờ sông, bên hồ nước, dưới bóng cây…

CÁCH ĂN…NGON!

Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn ngon hình như vẫn…chưa đủ. Còn phải có cách ăn ngon nữa. Ăn là văn hóa. GS Trần Văn Khê, người đi đây đi đó nhiều, kể có nơi phải ăn trong im lặng, không được rào rạo, không được nhóp nhép, hít hà, không được ừng ực và tuyệt đối không được khua muỗng nĩa, nhưng có những nơi ngược lại, phải nhóp nhép, phải rào rạo, ợ hơi cho rõ to, khua chén muỗng ầm ĩ mới là đúng điệu!

Nhưng ăn sao cho ngon nhất có lẽ là cách ăn “ chánh niệm”, ý thức về chuyện đang ăn, quan tấm nó, để ý nó, biết ơn nó:” Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

CƯỠNG ĂN… NGON?

Ăn uống là một trong ” tứ khoái”. Nhưng con người dễ có khuynh hướng ” thừa thắng xông lên”, khi đã khoái thì tìm cách làm cho khoái hơn, khoái hơn nữa! Khoái quá mới sinh chuyện! Ăn để có năng lượng, để thông minh thì được, nhưng ăn để béo phì là chuyện khác. Đau bụng, ói mửa, rối loạn tiêu hoá….đều là những dấu hiệu nhắc nhở cần thiết, bất đắc dĩ lắm thiên nhiên mới phải trừng phạt thôi! Có người không ăn mà nuốt, tọng cành hông,xong vào toilet móc họng cho ói hết ra, làm trống bao tử để đi tiếp đến một cái quán thứ hai, thứ ba…

Chuyện xưa kể có vị hoàng tử bị bệnh ăn không được. Bữa ăn nào cũng hất đi, rồi khóc rưng rức. Các thái y đều bó tay. Hoàng tử ngày càng kiệt sức. Vua treo bảng cầu hiền! Một lão tiên từ trên núi xuống xin chữa, với điều kiện hoàng tử phải theo ông đi lấy thuốc! Ông đưa hoàng tử lên núi. Từ giờ nhìn tới giờ ngọ không chút chi vào bụng. Hoàng tử tay chân rả rời, đói meo không dám xin ăn. Chiều tối, lão tiên đốt lửa sưởi ấm, nhân tiện chùi mấy củ khoai lang nhặt trên đường! Trời ạ, chưa bao giờ hoàng tử… có cái mũi tinh đến thế, chưa bao giờ tuyến nước bọt hoạt động ráo riết đến thế!

 Bác sĩ khi nghe ta nói ăn không ngon thế nào cũng cho một đống thuốc bổ, thuốc kích thích! Càng uống càng ăn… không ngon! Vì thuốc bổ đã cung cấp đủ chất rồi, việc gì phải ăn nữa?  Cũng như các nhà du hành vũ trụ, chỉ cần ngậm một viên thức ăn là đủ!

 Tóm lại, phải đói thì ăn mới ngon. Khổ nỗi bây giờ ta thường phải ăn theo giờ chứ không phải ăn lúc đói, chẳng khác gì “cưỡng” ăn! cái gì ” cưỡng” cũng không hay Thứ hai ăn với bạn thì ngon hơn ăn với kẻ thù! Có một cái phim của Julia Roberts đóng có tựa là Ngủ với kẻ thù! Ngủ với kẻ thù khổ bao nhiêu thì ăn với kẻ thù khổ bấy nhiêu. Một kẻ thù trong bữa ăn chính là những lo lắng, buồn phiền, giận dữ, những mưu toan không dứt..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *